Nhóm Tiền triều Hậu_cung_Nhà_Thanh

Từ thời nhà Hán, Hoàng hậu của Tiên Đế sẽ trụ lại hoàng cung, phi tần sẽ tùy theo hoàn cảnh mà lên lăng của Tiên đế sống, hoặc cho về nhà, một số cá biệt lại bắt tuẫn táng, tức là ép chết theo Tiên đế với ý niệm hầu hạ theo sang bên kia thế giới. Đến thời kì nhà Thanh, chế độ triều đình Mãn Thanh đã khác so với các triều đại trước. Trong khi nhà Minh thời đầu tiếp tục giữ tục tuẫn táng, bắt ép các phi tần chôn theo Tiên đế, thì đến thời nhà Thanh các phi tần được ưu đãi hơn, có phẩm vị và nơi ở riêng.

Pháp độ nhà Thanh, Hoàng tổ mẫu tôn Thái hoàng thái hậu, Hoàng mẫu tôn Hoàng thái hậu, sau khi Tiên đế ngự băng, từ Hoàng thái hậu cùng phi tần của Tiên đế đều phải dọn đến bên ngoài Long Tông môn (隆宗門), nơi có một dãy kiến trúc được gọi nôm na là Quả phụ viện (寡妇院) của Tử Cấm Thành. Dãy kiến trúc này lấy Từ Ninh cung (慈寧宮) làm đầu, bên cạnh đó còn có Thọ Khang cung (壽康宮), Ninh Thọ cung (寧壽宮) và Thọ An cung (壽安宮). Tuy nói các Thái hậu phải đến Từ Ninh cung hay Thọ Khang cung, nhưng không nhất thiết phải như vậy, sinh thời Từ Hi Hoàng thái hậu thường đều ở xen kẽ các cung thuộc Tây lục cung, và bà hay ở Trữ Tú cung.

Các vị Thái hậu

Từ An Thái hậu
Tước vị Mẫu hậu Hoàng thái hậu, còn gọi là Đông Thái hậu.Từ Hi Thái hậu
Tước vị Thánh mẫu Hoàng thái hậu, còn gọi là Tây Thái hậu.

Thái hoàng thái hậu (太皇太后) là tôn hiệu dành cho bà nội, còn Hoàng thái hậu (皇太后) là tôn hiệu dành cho mẹ của Hoàng đế triều Thanh. Lịch sử Thanh cung chỉ có 2 vị Thái hoàng thái hậu, là Hiếu Trang Văn Hoàng hậu cùng Hiếu Khâm Hiển Hoàng hậu (tức Từ Hi Hoàng thái hậu).

Trong hậu cung, với vai trò là trưởng bối và là bà nội của Hoàng đế, Thái hoàng thái hậu có bối phận cao nhất đương thời, khi Hiếu Trang Văn Hoàng hậu là Thái hoàng thái hậu thì ý chỉ của bà được xem là tối cao nhất, nếu không có Thái hoàng thái hậu thì chỉ dụ của Hoàng thái hậu mới được xem là cao nhất. Đương thời, Hiếu Trang Văn Hoàng hậu trú tại Từ Ninh cung, còn Hoàng thái hậu là Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu trú tại Ninh Thọ cung. Từ đó về sau, nơi mà Hoàng thái hậu có thể ở được luôn không cố định, đa phần là Thọ Khang cung, đôi khi là Từ Ninh cung hoặc Ninh Thọ cung. Dù ở đâu đi nữa, thì tước vị cao hơn luôn ở cung điện có địa vị lớn nhất.

Không giống như Hoàng hậu, có thể có nhiều hơn một Hoàng thái hậu tại vị một lúc. Đó là khi Hoàng đế là con thứ xuất, thì lúc đó theo Chế pháp đích-thứ sẽ cùng tồn tại cả hai người mẹ của đương kim Hoàng đế. Một người là Hoàng hậu của Tiên đế, tức 「Hoàng đích mẫu; 皇嫡母」; còn người kia là sinh mẫu của Hoàng đế nhưng vốn chỉ là phi tần của Tiên đế, tức 「Hoàng sinh mẫu; 皇生母」.

Vào thời nhà Minh, triều đại đầu tiên công nhận có thể tôn cùng lúc hai vị Hoàng thái hậu, quy định khá đơn giản rằng Hoàng đích mẫu sẽ có tôn hiệu, còn Hoàng sinh mẫu chỉ được gọi là Hoàng thái hậu, mà không có tôn hiệu. Sang đến đời nhà Thanh, triều đại này quy định dùng tôn hiệu cho cả hai vị Hoàng thái hậu, nhưng có sự khác biệt về ý nghĩa danh hiệu để phân chia.

Lần đầu tiên nhà Thanh xảy ra trường hợp có cả hai Hoàng thái hậu là thời Khang Hi, nếu bỏ qua sự mập mờ không rõ ràng thời Thuận Trị (có thể xem rõ mục "Con trai được lập" trong bài về Hiếu Trang Hoàng thái hậu). Khi ấy, Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu là Đích mẫu của Khang Hi Đế, huy hiệu 「Nhân Hiến Hoàng thái hậu」, còn mẹ sinh của Khang Hi Đế là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu vốn chỉ là tần phi, được Khang Hi Đế tôn huy hiệu là 「Từ Hòa Hoàng thái hậu」.

Sau đó suốt thời nhà Thanh, các vị Hoàng thái hậu thường chỉ có một người. Đến thời Đồng Trị, Hoàng đế vừa có Đích mẫu Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị, vừa có sinh mẫu Ý Quý phi Diệp Hách Na Lạp thị. Việc tôn phong Hoàng đích mẫu và Hoàng sinh mẫu được quy định như sau:

  1. Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị được tôn là Mẫu hậu Hoàng thái hậu (母后皇太后).
  2. Quý phi Diệp Hách Na Lạp thị được tôn là Thánh mẫu Hoàng thái hậu (聖母皇太后).

Sang năm sau, Đồng Trị Đế mới dâng tôn hiệu cho Mẫu hậu Hoàng thái hậu làm 「Từ An Hoàng thái hậu」, còn Thánh mẫu Hoàng thái hậu là 「Từ Hi Hoàng thái hậu」. Nhưng đích-thứ phân biệt, người đời thường gọi quen Từ An là Đông Thái hậu (東太后) do phía Đông là quý, còn Từ Hi được gọi là Tây Thái hậu (西太后) do phía Tây là vị trí phụ.

Việc tôn phong của hai vị Thái hậu là Từ An cùng Từ Hi đã thành một đặc trưng khi người khác nói về "Lưỡng cung Thái hậu" của triều Thanh, khiến nhiều quan điểm ngộ nhận cho rằng ngay triều Thanh từ thời kỳ đầu thì đã có quy định 「"Lưỡng cung tại vị, Đích mẫu tôn Mẫu hậu Hoàng thái hậu, Sinh mẫu tôn Thánh mẫu Hoàng thái hậu"」, rồi nảy sinh đánh giá tôn xưng "Mẫu hậu cao quý, Thánh mẫu kém hơn" đại loại như vậy. Thực tế, việc gọi "Mẫu hậu" hay "Thánh mẫu" trong tôn hiệu Hoàng thái hậu không quy định ở việc là Đích mẫu hay Sinh mẫu, như Sùng Khánh Hoàng thái hậu trong bài Sách văn tôn huy hiệu được gọi là "Mẫu hậu"; còn Cung Từ Hoàng thái hậu lại là "Thánh mẫu" trong Sách văn. Có thể thấy rất rõ ràng quy định ["Mẫu hậu Hoàng thái hậu"] và ["Thánh mẫu Hoàng thái hậu"], ai cao quý hơn ai, chỉ tồn tại từ thời Đồng Trị và là một liệu pháp phân biệt nhất thời.

Các vị Di phi

Phi tần của Hoàng đế đời trước, thường được gọi là Di phi (遺妃), đều sẽ được gom lại ở một nhóm cung điện và cùng nhau sinh hoạt. Khi có đại yến tổ chức ở Từ Ninh cung, họ mới tập hợp lại mà vui vẻ, ngày thường thì họ đến các Phật đường được xây cất trong Từ Ninh cung để dâng hương, yên ổn mà sống qua kiếp người. Có trường hợp nếu Di phi có con trai được phong tước và mở phủ đệ, thì họ đều sẽ được đi theo con đến phủ và an hưởng đến già, như Ninh Khác phi, Huệ phi, Nghi phi cùng Định phi. Từ thời Ung Chính trở đi, Di phi bất luận có con hay không, cũng đều trú tại nhóm Quả phụ viện cùng các Thái hậu.

Trong văn bản chữ Hán, Hoàng đế sẽ gọi chung các phi tần này là 「Thái phi; 太妃」, nhưng đó chỉ là cách gọi chung chứ không phải tước vị chính thức. Theo cách chính xác nhất, Hoàng đế sẽ gọi phi tần của Hoàng phụ theo yếu tố 「Hoàng khảo; 皇考」 để phân biệt với Hậu phi của đương kim Hoàng đế, tương tự với những phi tần của Hoàng tổ phụ, thì Hoàng đế sẽ tôn với huy hiệu 「Hoàng tổ; 皇祖」. Ngoài ra, Hoàng đế vì lý do gì đó cũng có thể tấn phong họ lên một cấp bậc cao hơn, có đãi ngộ tốt hơn, và những đãi ngộ ấy đều theo mức tước vị quy định trong hệ thống phi tần[Chú 10].

Ví dụ như:

Nếu khi đó không có Hoàng thái hậu, thì vị Di phi có địa vị cao nhất sẽ được tôn làm "Thái phi" bởi Sách văn chính thức, chứ không phải kính gọi thông thường. Lệ này có từ thời Khang Hi, khi Thánh Tổ tôn Thọ Khang Thái phi làm Hoàng tổ Thọ Khang Thái phi (皇祖壽康太妃). Từ đây có lệ bất thành văn, Hoàng đế đương triều sẽ tấn tôn vị Di phi có địa vị tôn quý nhất trong hàng Góa phụ danh hiệu "Thái phi", như sau đó Cao Tông tôn Đôn Di Hoàng quý phi làm Ôn Huệ Hoàng quý thái phi (温惠皇貴太妃). Khi Cao Tông thoái vị làm Thái thượng hoàng, Nhân Tông vẫn gọi các Uyển Quý phi cùng Dĩnh Quý phi là "Thái phi" để tôn trọng, dù huy hiệu chính thức của bà là 「Hoàng khảo Quý phi」.

Nếu trường hợp có các Di phi của Hoàng tổ còn sống, thì các Hoàng tổ Di phi đó sẽ có thể trở thành Thái phi cao hơn là các Hoàng khảo Di phi. Sau thời Càn Long, có Trang Thuận Hoàng quý phi thời Đồng Trị hay Đoan Khác Hoàng quý phi thời Tuyên Thống đều trở thành các Thái phi. Cũng có trường hợp thiện đãi, nên dù có Thái hậu thì vẫn có thể trở thành "Thái phi", như Trang Tĩnh Hoàng quý phi Tha Tha Lạp thị, trở thành Hoàng quý thái phi theo chỉ dụ của Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu.